Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

NTV 40 - Làng đóng tàu và ghe ở Bình Đại Bến Tre




Nơi đây kỷ niệm,
Kỷ niệm buồn của ngày xưa quá khứ,
Có dần quên theo con sóng thời gian ?
Cất bước ra đi mơ giấc mơ vàng...
Trong phút chốc bỗng tan thành bọt nước !!

Rồi quẩn quanh với cõi đời ô trược,
Quay tìm về nơi chốn ấy năm xưa...
Chốn cũ quạnh hiu, lau lách rặng dừa,
Sao lại thấy dường như hồn lạ lẫm...?

Có gì đâu qua tuổi xuân đằm thắm,
Biết bao điều nghịch lý đã trải qua...
Chỉ dạo chơi tìm một chút xưa mà,
Rồi trở lại sống những ngày quên lãng !!
NM

Làng đóng tàu và ghe ở Bình Đại Bến Tre
          Trước khi ra biển Thừa Đức bỗng dưng muốn tìm đến làng đóng tàu thuyền của Bến Tre, một nơi mà ngày xưa lúc phong trào vượt biên đang rộ rất rộn rịp khách đến đặt hàng !
        Vừa đi vừa hỏi cuối cùng cũng tìm ra cơ sở nầy nằm sâu trong huyện bên cạnh con sông và gần sát bên phà cửa Đại của biển Bến Tre, vị trí nầy thật thuận tiện cho cả ghe nhỏ và tàu lớn khi hạ thuỷ
          Trừ ngôi nhà lớn khang trang có lẻ của chủ xưởng đóng tàu ra, chung quanh là nhà nhỏ của người dân và thợ đóng tàu ở gần đó, phía sau và mặt trước của xưởng vẫn là những gian nhà lá lụp xụp, chung quanh xường người ta chất đầy cánh quạt, vỏ xe và vỏ gỗ thừa...
          Lại gặp "Bình Tân", địa danh nầy trùng với quận BT gần nhà, Bến phà khang trang nhưng vắng lặng có lẻ vì ngày hôm nay người ta tạm dừng tất cả mọi sinh hoạt để tham dự lễ Nghinh Ông. 
          Nhìn những chiếc ghe nhỏ còn nằm chờ trên con rạch chợt ngậm ngùi cho thân phận của những người vượt biên ngày trước vì mấy ai dám ra đi với chiếc ghe lớn ? Đoạn đường chờ đợi từ lúc đóng ghe, rồi hạ thuỷ ghe, len lỏi qua kênh rạch chờ giờ ra sông lớn rồi từ đó mới ra khơi ngoài biển rộng ....Mấy ai thành công và biết bao nhiêu người thất bại ?!

Đứng trước phà cửa Đại sông nước mênh mông lòng bỗng bâng khuâng như đối diện với một nơi có di tích lịch sử, cho người và cho....mình !!
NM Phan thị Ngọc Diệp

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

NTV - 39 Vẻ hoang sơ của Biển Thừa Đức Bình Đại Bến Tre

 

Lý Ba Tri

Ba Tri Quê Tôi

Dấu xưa,
Đây có phải gần bốn mươi năm trước,
Người ra đi với mộng tưởng ước mơ...
Và ngờ đâu mộng ước chỉ đến ...bờ,
Rồi vùi lấp trong lớp bùn biển mặn !

Bốn mươi năm ngỡ qua đi thầm lặng,
Biển ngày xưa vẫn là biển ngày nay.
Trong tâm tình cũng có chút đổi thay.
Nhưng luôn nhớ thuở hồng hoang tuổi trẻ !

Biển bạt ngàn xa khơi nhưng lặng lẽ,
Sao không là biển cạn giữa cơn giông ?
Thuyền đã không chìm lấp giữa mênh mông
Em đã khóc vì bên em biển động !!
NM
 
Vẻ hoang sơ của biển Thừa Đức Bình Đại Bến Tre
Sau khi xem lễ Nghinh Ông ở Bình Thắng rồi tìm tham quan xưởng đóng ghe tàu ở gần cửa Đại thì cũng gần 10g sáng, bây giờ phải tìm đường ra biển Thừa Đức thôi, tuy chưa đi biển Thừa Đức bao giờ nhưng nhờ Google và hỏi thăm dân địa phương hai cô cháu cũng tới nơi và cũng ....đói bụng nữa, bây giờ đã hơn 11g trưa rồi !
Nhưng làm gì thì làm cũng phải chọn chỗ ngồi nghỉ ngơi và ngắm cảnh trước đã, hôm nay có chở theo Lucky, nó có vẻ mệt vì trời hanh nắng cho nên chưa gì nó đã vội chui nằm dưới ghế cho mát dù bên trên là mái lá, có lẻ như vậy chắc ăn hơn !
Quả thật biển Thừa Đức rất là hoang sơ, toàn bộ khu nhà mát dành cho du khách đều lợp bằng lá nhìn đơn sơ nhưng cũng khá chắc chắn, có lẻ vì biển còn tiếp tục lấn vào bờ cho nên không ai dám đầu tư kể cả nhà nước, hôm nay biển cũng vắng do lễ Nghinh Ông, ngoài một số khách từ xa ra tắm biển thì bãi cào nghêu chẳng có một ai
Đặc điểm của lều quán nơi đây là du khách tự chọn chỗ cho mình ngồi rồi dắt xe vào để gần và tự trông coi xe, người ta cũng không thâu tiền ghế, và có lẻ họ tính vào tiền thức ăn mà khách sẽ đặt món, quán có bán hải sản và chế biến đủ các món hải sản, nhưng đặc biệt nhất là món bánh xèo, hai cô cháu dị ứng với hải sản chỉ ăn được chút chút cho nên Ti thường gọi nghêu hấp xả và nhất là không quên món bánh xèo giòn thơm ngon...
Bánh xèo đem ra là ăn trước trong khi chờ đợt bánh thứ hai thì ăn nghêu, nghêu ngọt, mềm thơm mùi vị khác hơn nghêu Long Hải, Gò Công một chút. Bếp nằm lộ thiên trước căn nhà nhỏ ở cuối dãy lều mái lá, đó là một gia đình đông vui, từ lớn đến nhỏ đều tích cực phục vụ khách ngay cả những đứa bé 7,8 tuổi cũng phụ mẹ xếp dọn bàn ghế cho khách, vừa đói lại ngon miệng hai cô cháu ăn hết....8 cái bánh xèo !!
Vừa ăn vừa nhìn ngắm chung quanh biển vắng vì thế tầm nhìn thật thoáng, thực khách đến cũng lai rai, mấy đứa bé tha hồ tắm mát vì có chỗ nước vào gần lều, ngoài xa vẫn có tàu qua lại có thể là tàu về trễ hoặc tàu ở nơi khác đi ngang qua vì Bến Tre có đến ba biển, cho nên ngày trước Bến Tre tuy mang danh "Quê hương Đồng Khởi" thật, nhưng Bến Tre cũng là nơi tổ chức vượt biên tương đối nhiều nhất, khi bị bắt thì Bến Tre còn mang thêm cái tên "Quê hương Đồng Khổ" do thân nhân đi nuôi tù vượt biên đặt cho quê hương nầy vì luật lệ CA biên phòng ở đây rất gắt gao mà khi được duy lý vào thành phố cũng khó khăn không kém
Ngồi đây nhớ lại lúc đi nuôi hai em "kẹt giỏ" năm 78 thật là bàng hoàng, cực khổ mà cũng vui vì có lần "chọc quê" được anh CA huyện !!
Có lẻ sóng biển đánh vào tận nơi nầy cho nên chỉ còn lại dấu tích của mấy tấm vách tường ...chơ vơ cùng tuế nguyệt ! Ngoài kia dãy lều gần biển cũng vắng vẻ chắc họ cũng sẽ di chuyển vào trong nầy thôi, Ti nói chụp một ảnh để lưu lại kỷ niệm của.... kỷ niệm từ 1978 !!
Nếu bỏ ra hết ngoại cảnh bên ngoài bờ biển mà chỉ chú tâm vào phong cảnh trên bờ biển Thừa Đức nầy tự nhiên chợt nghĩ cái thuở "hồng hoang 1978" mà hai đứa em ra đi cũng ở Bình Đại Ba Tri thì chắc khung cảnh cũng không khác xa mấy, chỉ nghe nói là hoang sơ toàn là ngư dân và biển thì đấy bùn đất. Mới đó mà đã gần trọn 40 năm, chỉ trong 10 giờ đồng hồ mà hai cô cháu đi từ Sài gòn đến Bình Thắng xem lễ rồi đi ra cửa Đại tìm xưởng đóng ghe tàu và cuối cùng thì về đây khoảng hơn 1 giờ trưa sẽ về lại Sài gòn... Thật khác với ngày trước mỗi lần đi thăm nuôi phải đi từ 2 giờ sáng ra Xa cảng, xếp hàng mua vé là một cực hình xe đò cũ chạy bằng than vừa chạy vừa lắc lư, đã vậy còn phải qua hai bến phà mới có thể vào trại giam thị xã. Tuy nhiên trong lòng thấy có một cái gì không ổn định dù mọi việc bây giờ có vẻ tự do và thuận tiện, có lẻ vì dự tính của các em không thành công hay chốn "hồng hoang" nầy vẫn còn ghi lại một kỷ niệm khác của riêng bản thân mình, một kỷ niệm đẹp bất ngờ mà cũng thật là khó quên !!
NM PTND

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

NTV 38 - Thiền viện Trúc lâm Nam phương Trà Vinh

 


    
Thiền viện Trúc Lâm Nam Phương ở Trà Vinh

Trời bắt đầu mưa lâm râm, nhưng Ti vẫn tranh thủ chụp thêm vài tấm hình ven biển, Google lại hướng dẫn thêm một địa điểm du lịch mới "Trúc Lâm Thiền viện Trà Vinh" !! Quên đường hãy còn xa, bỏ qua mối quan tâm cơn mưa sắp đến hai cô cháu quyết định ghé nơi đây vì hơi tò mò, thật ra ở đất Trà Vinh nầy chùa Miên rất nhiều, những chùa của người Việt đa phần nhỏ và kiến trúc khiêm tốn,cái tên Trúc Lâm Thiền Viện Trà Vinh làm gợi nhớ dến Trúc Lâm Thiền Viện Đà Lạt, hẳn là đẹp và rộng lớn lắm đây !!

        Chùa vẫn còn trong giai đoạn hoàn chỉnh các công trình phụ, nhưng khá quy mô và rộng lớn, chùa tọa lạc trong khu rừng dương yên tĩnh, chúng tôi có thể nghe được tiếng sóng biển rì rào của rừng dương trước mặt..., cát chung quanh trắng tinh như cát biển miền Đông.... Nhưng phải từ giã nơi đây, không thể chần chừ hơn nữa vì mưa sắp đến và phải tìm cho ra Mỹ Long !!
NM Phan thị Ngọc Diệp 
(Bài viết ngắn được trích trong chủ đề về Trà Vinh)
 
*****
Bài đọc thêm 

Thiền Viện Trúc Lâm: Thiền phái Trúc Lâm duy nhất ở Trà Vinh

Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc tại ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với diện tích gần 10 ha trong quần thể Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động.

Toàn bộ các kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh được thiết kế và xây dựng theo mô hình các ngôi chùa Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần (thế kỷ XII đến thế kỷ XIV), mà điển hình là các mái ngói dạng hai tầng. Các đầu đao cuối mái được vuốt cong nhẹ nhàng, thể hiện tính khiêm cung, hài hòa với tự nhiên của dân tộc. Thiền Viện gồm các hạng mục chính: chính điện, hành lang, giảng đường, nhà tổ, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan và nhà trụ trì.

Tháp trống

Bước qua cổng tam quan, để vào đến Chánh điện, là khoảng sân rộng, dài 150 m và được kết cấu thành hai bậc, là nơi để vị sư trụ trì thuyết pháp hay nhà chùa, địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa Phật giáo. Ngôi Chánh điện Thiền viện Trúc Lâm có diện tích 27 x 45 m, cao 11 m, trên nền đá cao 1,4 m, là ngôi Chánh điện lớn nhất trong tất cả các tự viện Phật giáo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay. Khác với các tu viện khác thì thờ Phật Tổ Như Lai (Phật Tổ đã thành đạo và nhập niết bàn), thì Phật Tổ ở Thiền Viện Trúc Lâm trong tư thế “Niêm hoa vi tiếu” (Phật Tổ cầm đóa sen đưa lên và Anan Hành giả mĩm cười). Đây cũng là tượng Phật bằng đồng lớn nhất Trà Vinh, cao 3,5 m, nặng hơn 3 tấn.

Tượng Phật Tổ bằng đồng

Ngoài thờ Phật Tổ Như Lai, các vị Bồ tát, Hành giả theo giáo lý nhà Phật, ngôi Chánh điện Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh còn trang trọng thờ phượng kim tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người được xem là vị đại tiên hiền của vùng đất Nam bộ. Phía Hậu tổ của Thiền viện, ba vị Trúc Lâm Tam tổ là Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được tôn thờ cùng với Đức Đạt Ma và các vị cao tăng Việt Nam có công với đạo và đời đã viên tịch. Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh cũng thờ kim tượng Mẫu Âu Cơ, giúp phật tử gần xa hướng về cội nguồn dân tộc.

Tượng Phật mẫu Quán Thế âm Bồ tát cao 25 m được an vị trên bệ tượng cao 6 m, tạo ra chiều cao chung đến 31 m, cũng là tượng Phật mẫu cao nhất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trong giáo lý Phật giáo, Quán Thế âm là vị Bồ tát ngàn mắt ngàn tay, có năng lực và quyền lực siêu nhiên, nhìn thấu hết khắp cõi ta bà, kịp thời phát hiện và ra tay cứu độ, cứu nạn chúng sinh. Do đó, tượng Phật mẫu hiền từ mà uy nghiêm nhìn ra muôn trùng biển Đông bao la, giúp người dân đi biển Trà Vinh an tâm hơn khi đối đầu với bao hiểm nguy từ gió to sóng dữ.

Thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm Đông Hải

Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh là một nơi có vị trí đẹp, phong cảnh hài hòa nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, ngôi chánh điện có hướng nhìn ra biển Đông, khuôn viên được bao bọc bởi nhiều động cát cao, phủ đầy dương xanh ngát, rì rào cùng sóng biển. Được biết đây là cở sở thứ 58 Tu Viện của phái Thiền viện thuộc Trúc Lâm Yên Tử.

Thiện viện Trúc Lâm được xây dựng với mong muốn khôi phục lại những giá trị truyền thống của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thiền viện Trúc Lâm là điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng. Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh là một địa chỉ hành hương Phật giáo và là địa chỉ du lịch tâm linh thu hút mạnh mẽ phật tử, du khách gần xa về tham quan, vãn cảnh, chiêm bái Đức Phật và hướng lòng mình trở về với cội nguồn dân tộc hào hùng.

Kiến trúc truyền thống thời Lý Trần

Ngoài ra, Thiền viện Trúc Lâm, khu du lịch Biển Ba Động, khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển cùng các di tích lịch sử Lầu bà Cố Hỷ Thượng động nương nương, Bến Tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Đình miếu Cồn Trứng, làng nghề Đáy biển Động Cao, làng Muối Cồn Cù và những công trình công nghiệp hiện đại như Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Trung tâm Điện lực Duyên Hải… có vị trí gần nhau, tính chất và loại hình bổ sung cho nhau để hình thành một chuỗi các địa chỉ có tiềm năng lớn về du lịch ven biển Trà Vinh.

Ngọc Hoa