Bánh giá Gò Công Đông
Bài
viết đầu tiên mở đầu cho phần Du lịch của NamMai 4 là một bài viết về
những di tích của Gò Công, nhưng thật là thiếu sót nếu không giới thiệu
về món bánh giá được xem là món đặc sản của quê hương nầy....!
Đây
là món quà quê hương tinh thần mà Nam, một người em trai kết nghĩa lúc còn
sống Nam thường quảng cáo và tha thiết mời chào hai cô cháu về chơi sẵn dịp
thưởng thức món "Bánh giá Gò Công Đông". Nam đặt tên như vậy vì một phần
để phân biệt với bánh giá chợ Giồng và bánh giá Gò Công Tây, và cũng vì
quán bánh giá nầy cùng ở trên con đường đến nhà Nam thuộc địa phận Gò
Công Đông ...
Thế
nhưng hồi đó tôi chỉ được viếng Gò Công hai lần, tất cả hai lần đều đến
và đi trong vội vã, lần thứ nhất khi nhà Nam vừa mới cất lại, ăn tân
gia vừa đông người, vừa đi về trong ngày cho nên chưa biết quán nơi đâu ? Lần
về thứ hai càng buồn hơn vì đó là lần về đưa tiễn Nam ra đi đột ngột !!
Đông, anh của Nam cũng ân cần mời hai cô cháu khi nào có dịp về chơi,
vợ chồng Đông sẽ chiêu đãi món bánh giá mà Nam vẫn thường nói với Đông
mỗi khi về thăm nhà....
Ngày qua ngày công việc và cuộc sống đã làm cho tôi dường như quên mất những cuộc
đi chơi, những lời hứa với Nam rồi với Đông....Bây giờ thì "về hưu", nói
cho vui chứ hàng họ càng ngày càng ít đi do kinh tế khó khăn khiến thời
gian rảnh rổi nhiều hơn, tuổi tác cũng cao, hai cô cháu bàn nhau đi
chơi, ngoài những chuyến đi Sóc Trăng dịp Thanh Minh ra, cô cháu còn đi
Sa đéc thăm vườn hoa cảnh, đi Trà Vinh thăm bạn, rồi Cần Thơ.....
Những
chuyến đi như vậy toàn là đi trong ngày và bằng xe gắn máy để có thể
ghé bất cứ nơi đâu chụp lại phong cảnh đẹp hay thưởng thức món ăn ngon
bình dân đặc biệt của vùng miền địa phương. Nhưng rồi cuối cùng hai cô
cháu cũng được thưởng thức món bánh giá Gò Công Đông !
Trong
những lần đi chơi trước hai cô cháu đã thưởng thức bánh giá Hoà Đồng
cũng như bánh giá chợ Giồng, nhưng quán bán bánh giá nơi đây hai cô cháu
rất thích vì cảnh quang dân dã hai bên đường, cận kề quán là những bạn hàng khác tạo
thành nhóm như một cái chợ nhỏ, có rau, thịt, tôm cá và bánh quê đủ thứ như
bánh chuối, bánh bò, bánh da lợn, bánh tầm bì...
Ngoài
món bánh giá ra quán còn bán bún thịt nướng mang hương vị riêng của
làng quê, đặc biệt bún Gò công rất ráo sợi lớn hơn sợi bún bình thường,
kết hợp với rau giá và miếng thịt nướng bằng than thơm lừng hoà với nước mắm ngon đã
khiến hai cô cháu lần nào ghé cũng phải ăn cả hai món và mua bánh đem về
!!

Gò Công tương đối gần nên chúng tôi thường xuyên về chơi, ghé quán ăn sáng
rồi chạy ngược chiều ra biển Tân Thành hóng gió đến trưa lại quay
về. Mấy lúc sau lại bàn nhau đi tìm thăm di tích cổ....Dần
dà hai cô cháu trở thành khách thân quen, tôi nói với cháu hay là mình
sẽ viết bài phóng sự vui về quán bánh giá nầy của Gò công Đông....? Ti vui vẻ hưởng ứng liền
Chủ
quán là bà Tám cũng trạc tuổi tôi, bà cho biết sau năm 75 gia đình làm
ăn thua lỗ... Hai vợ chồng bà dọn về đây, lúc đó ông Tám còn sống, ông
được một người bạn quen nổi tiếng về bánh giá ở Gò công Tây giúp đỡ
truyền dạy cho món bánh giá nầy, rồi cả gia đình họp nhau bán và nhờ đó trở nên
khá giả, quán đã hoạt động trên 40 năm, sau khi ông
Tám mất bà đã cùng các cô con gái tiếp tục buôn bán....
Tôi ngỏ ý muốn giới thiệu quán thì bà rất vui vẻ hướng dẫn, quán nằm trên đường đi Gò
công Đông. ấp Chợ Bến, xã Bình Ân. Từ trung tâm thị xã Gò công chúng ta
tìm Ấp Gò Me, xã Bình Ân , qua khỏi cầu Trần văn Đông chừng 800m là đến
quán, quán nằm phía bên tay trái, cùng sinh hoạt quây quần với khu chợ
nhóm nhỏ, vì món ăn vừa ngon lại vừa rẻ nên hết rất sớm, có hôm chưa
tới 8g sáng đã không còn...Mỗi lần muốn mua bánh đem về Sài gòn làm quà
biếu thì chiều hôm trước Ti phải gọi điện thoại dặn trước !
Bà
Tám nói dễ nhất là hỏi tên bà Tám Diễm Ca, đó là tên cô con gái lớn, ở
đây ai cũng biết ! Món ngon lại thêm cái tên thật là...thơ !! Ti nói đùa
"Nhờ "Diễm Ca" cho nên bán hơn 40 năm vẫn đắt, nếu "Diễm xưa" thì có lẻ
dẹp tiệm từ lâu !"
Bây
giờ Bà Tám chuyên ngồi chiên bánh, nướng thịt và phục vụ khách thì hai cô con
gái phụ trách, cô bé gái Diễm Ca giờ đã có chồng và có con, bà tâm sự
lúc khổ mở quán thì hai vợ chồng còn trẻ cùng nhau làm, con cái hãy còn
bé bỏng....Ngồi ngay lò chiên bánh nhưng bà rất vui vẻ, khi blog nầy
chưa hoàn tất tôi đã muốn viết nhưng cảm thấy có một điều gì đó không hợp
lý, giờ thì có thể viết rồi và viết với một tâm lý thật nhẹ nhàng thoải
mái, cũng thầm xin lỗi bà Tám Diễm Ca, có lẻ bà trông đợi khách sẽ đông
hơn qua bài viết của một "nữ văn sĩ quèn" như tôi, hay bà lại nghi ngờ
tôi muốn bán bánh giá Gò Công Đông ngay tại Sài gòn nầy vì có lần bà hỏi
vui như vậy...
Tôi
chỉ có thể về Sóc Trăng dịp Thanh Minh thăm mồ mã ông bà, đi loanh
quanh dạo chợ, ghé hàng bánh bía mua làm quà, ăn món bún mắm thân quen,
rồi vào chùa nghĩ mệt dưới táng cây sala thưởng thức mùi hương dừa thốt
nốt, không biết tại sao chỉ có ở nơi nầy hương thốt nốt thật đậm đà dễ
chịu !?...Và chỉ như thế rồi quay về, khác với sự vui vẻ thân tình khi
đến Gò Công, có phải vì quê ngoại giờ đây không còn ai để lưu luyến và
thăm viếng....?
Bánh giá chợ Giồng
Mà
buồn làm chi bởi vì nơi đâu cũng là quê hương của mình dẫu gần hay xa, cho nên
mỗi khi muốn đi chơi xa vừa đủ cho kịp giờ về đi làm là Ti lại rủ về Gò Công,
chỉ cần đi ngang qua ngõ vào chùa Thái Bình, hay ngang qua nhà Đông,
nhìn vào sân thấy nhà đóng cửa là biết giờ nầy Đông đang chăm sóc đồng
ruộng, vợ đi làm và hai con gái đi học...cuộc sống thật bình dị,
chỉ xôn xao vào những dịp Xuân về !! Nhưng con đường từ thị xã về đây quanh năm cây cỏ xanh mát, hoa nở bốn mùa thật mát mẻ nên thơ, nhất là những cây sơ ri đầy quả đỏ...
Sơ ri Gò Công Đông
Trong
thâm tâm tôi Gò Công thật là gần gũi, một thứ tình cảm tự nhiên, đằm thắm và
mỗi lần có dịp về đây tôi lại bồi hồi nhớ đến Nam, một đứa em trai kết
nghĩa nhưng thật chu đáo và thân tình ...Cũng đã hơn mười năm rồi Nam nhỉ ?
NamMai Phan thị Ngọc Diệp
NamMai Phan thị Ngọc Diệp
********
Nhạc thiền tĩnh tâm
Tháng bảy mùa chay
Tháng bảy mùa chay sen nở hoa,
Thu về theo gió thoảng hương xa ...
Ngoài kia lất phất cơn mưa bụi,
Nhạc Thiền êm ái nhẹ ngân nga .
NM
Mùa chay tháng bảy
Tháng
bảy mùa Vu Lan đã đến, hai cô cháu "mở hàng" cho mùa chay bằng cách
buổi chiều đi ăn Buffet ở Đại Nam Hưng, đây là một chuỗi nhà hàng ăn,
ngoài cửa hàng chay ra, Đại Nam Hưng còn có nhà hàng tiệc cưới và quán
Karaoke
Ti
biết quán chay nầy là nhờ những lần đi chụp hình cho công ty, bạn bè rủ
ăn cho biết vì nơi đây lịch sự, ấm cúng nhưng giá cả phải chăng phù hợp
với túi tiền của mọi người !
Quả
thật như lời "quảng cáo" của Ti, nơi đây cảnh trí thật ...Thiền! Phong
cảnh trong quán trang trí nhẹ nhàng thanh thoát điểm thêm tiếng nhạc
Phật giáo êm dịu khiến ta cảm thấy tâm hồn thanh thản khi đặt chân vào
nơi đây
Các
món ăn cũng được bày trí tinh tế hài hoà, nhẹ nhàng đầy mỹ thuật, đậm
phong cách Thiền, không hiểu sao tôi cảm thấy yêu mến và gần gũi với
không gian nầy
Ngoài
những món ăn nguội ra, có những món cần ăn nóng thì được sưởi bằng ánh
sáng đèn khiến món ăn vừa đủ ấm và không kém phần mỹ thuật
Thật
thích thú khi được nghe nhạc và ngồi trong gian phòng ấm áp, cảm giác
thật nhẹ nhàng và thân quen khi nhìn chung quanh thực khách cũng đang
quây quần với bạn bè và gia đình thưởng thức món chay thanh tịnh
Mãi
lo ngắm cảnh mà dĩa thức ăn đã vơi một chút, nhưng không sao, đây là
đĩa thứ hai rồi và cũng lưởi sắp đặt lại, cứ chụp nguyên trạng như vậy
có lẻ hấp dẫn và thực tế hơn
Ti chọn sữa đậu nành là thức uống và món tráng miệng rất là "bắt mắt" !! Ngoài sữa còn nước sâm và chè cũng khá phong phú....
Nhìn
ra ngoài trời mưa đã dứt, thức ăn ngon miệng nhờ thời tiết se lạnh và
cũng nhờ Ti căn dặn nhín ăn cơm trưa để dành bụng ăn buffet chay vì tôi
vốn mang tiếng "kén" ăn, vì vậy tôi đã có một buổi tối thú vị, vừa
thưởng thức các món chay, vừa nghe nhạc Thiền và ngắm quán chay với cảnh
trí thật ấm cúng mà cũng rất là ....Thiền !!
NM PTND
*******
Về Thăm Đồng Tháp
Những bài hát hay về Đồng Tháp
Bến vắng !
Chừ thuyền cặp bến vắng,
Cũng phải trở về thôi...
Đồng Tháp ngày không nắng,
Dường như gặp bạn tôi ?!
NM
Món ăn dân dã Đồng Tháp
Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đến nơi !
Thật
ngạc nhiên vì con đường vào quán hơi
xa và là một con đường quê thế mà khách du lịch khá đông, xe gắn máy có,
xe hơi
có..., hai bên đường là hai hàng cây cao chụm đầu vào nhau tạo thành
bóng râm mát mẻ. Ôi ! dễ chịu làm sao giữa bầu không khí mát mẻ trong
lành của thiên nhiên...
Con đường nầy thông qua phiên chợ trái cây của mùa Tết Đoan ngọ,
muốn đi xem lễ hội lại phải qua cồn, mà qua cồn thì phải đi ghe, phà thì
được mà ghe thì ngán cho nên thống nhất là ...đi ăn thôi vì trên đường
đi đã nhìn thấy nhiều cây trái hoa lá rồi !Quán có một dãy nhà mát cho khách gởi xe gắn máy và nhân viên ngồi giữ xe, còn có "chú lái đò" đón khách vào quán bằng cách phăng dây thừng dưa khách qua sông trên chiếc bè bằng cây
Hôm nay trời khg nắng và gió lộng báo trước sẽ có mưa cho nên hai cô cháu ngồi trong quán khg ra ngoài lều, cả quán và lều đều có mắc võng !! Mưa đã bắt đầu lâm râm, cảnh vật vẫn thanh bình, đàn vịt tung tăng bơi lội và cá vẫn đớp mồi theo bọt nước
Quán
rộng và thoáng, chung quanh có treo võng cho khách đi xa nghỉ mệt,
ngoài ra quán cũng có cho du khách thuê quần áo dân dã như áo bà ba hay
áo dài xưa khi có nhu cầu, đa phần là các đoàn du lịch hay các nghệ sĩ
hát dân ca cũng thường đến dây thu ngoại cảnh
Món
ăn đã được mang ra, giản dị và tự nhiên như ở quê nhà của ngoại, vài
loại rau quê có điểm thêm búp lá sen non của ao nhà, lần nầy Ti không
gọi món cơm chiên Dương châu mà là cơm
chiên tỏi đặc biệt, cá lóc nướng cuốn bánh tráng ăn với rau chấm nước
mắm me không có bún, món tuy đơn sơ như vậy mà thật là ngon miệng. Mùi
thơm của cá nướng và dĩa cơm chiên hoà theo gió mát mang theo hương đồng
cỏ nội khiến người thưởng thức cấm thấy thanh thản, vừa ăn vừa ngắm cơn
mưa lất phất ngoài ao sen...
Khách
tiếp tục đổ về và qua sông cũng bằng phà nhỏ bằng gỗ, mưa thì mưa nhưng
người ta cũng thích ra chòi lá dù chỉ ngồi trên sàn với một, hai cái
võng treo trên cột chòi
Sau
khi ăn xong thì Ti nằm ngủ đong đưa trên võng, thêm một đoàn thực
khách nữa vào cũng là khách trung niên. Nhìn thoáng qua cung cách và sự
trao đổi chuyện trò của họ, tôi đoán đây là "đồng nghiệp ngày xưa" của
mình, tất cả đều ăn mặc kín đáo, chỉ duy nhất có một cô người Bắc diện
áo đầm và cô rôm rả tíu ta tíu tít, tay bắt mặt mừng với học trò thành
đạt của mình, qua cô tôi thấy sự nhanh nhẩu lẫn vui vẻ hơi...quá đà một
chút vì các bạn trẻ nhắc nhở " Cô ơi, cô ngồi ...đàng hoàng để mấy thầy
bên kia qua và quán dọn thức ăn lên !!"
Câu
nói vui nhắc nhở làm tôi bỗng bật cười nhớ lại "Cô dâu 18 tuổi " của
khoá SPVH 72 của mình , chúng tôi cũng đã có lần họp mặt vui như thế, và
các bạn nam cũng nhắc H như thế để cùng cười với nhau cho vui !
Bây
giờ tôi mới để ý đối diện với bàn của mình có "ba thầy" hơi lớn tuổi
ngồi riêng đang uống nước chờ lớp trẻ hơn tâm sự, tôi thoáng thấy ba
khuôn mặt quen quen vì có một người nhìn mình ....cười cười ! Hay thầy
ngại vì đám cô trò kia quá ...vồn vã, hay bạn đồng nghiệp SP ngày xưa
nhưng khác ban biết mình? Những lần họp mặt SP với nhau quá đông cho nên
tôi không thể nào nhớ mặt hết được, có lẻ là thế vì nghe qua câu chuyện
tôi biết đây là ba "Thầy" của các thầy cô trẻ hơn đang ngồi vui vẻ cười
nói bàn bên kia và nhất là biết họ thuộc nhóm thầy cô Sa Đéc Đồng Tháp
!!
Hơi ngại và cũng đã tạnh mưa, tôi đứng lên dạo một vòng ngắm cảnh trước khi đánh thức Ti dậy ra về
Bàn
bên kia đã "nhập tiệc", ba vị thầy chỉ cười cười và cụng ly, tôi thoáng
nghe tiếng một thầy gọi thêm hai món cá nướng và cơm chiên như Ti đã
gọi...! Bỗng nhiên tôi bật cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh thoáng qua hay là
người ta muốn cho mình biết đã nhìn qua và biết mình ? Nhìn món ăn dân
dã của mình làm sao mà thèm...vì dạy ở đây thì làm sao xa lạ với món ăn
chân quê nầy ? Cô giáo mặc đầm vẫn huyên thuyên kể về kỷ niệm, về cá
tính của từng học sinh cũ của mình, cô lanh hơn "cô dâu 18 tuổi " nhiều,
có lẻ vì cô là cô giáo Bắc sau 75 !?
Dù
sao đi nữa thì đây cũng là một niềm vui nho nhỏ bất chợt trên chuyến đi
Sa Đéc Đồng Tháp nầy. Xin bỏ lỗi cho tôi nếu như tôi đã không nhận ra
bạn SP cũ, có lẻ mình dè dặt và có lẻ mình là cô giáo SP trước 75 mà
cũng đã xa nghề dạy lâu quá rồi !! Gọi Ti chuẩn bị về thôi....Xin tạm
biệt và hẹn ngày quay trở lại để thưởng thức tiếp những món đặc sản khác
của Đồng Tháp
NM PTND